Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024

Tin tức

10/01/2024

Dự báo các ảnh hưởng lớn tới giáo dục Việt Nam trong năm 2024

Trong bối cảnh toàn thế giới trải qua nhiều biến động và ảnh hưởng mọi mặt kinh tế xã hội toàn cầu, giáo dục thế giới năm qua có những thay đổi rất đáng quan tâm. Các thay đổi đó cũng được dự báo tiếp diễn và ảnh hưởng lên giáo dục toàn cầu và Việt Nam trong năm 2024.

Năm 2023 vừa qua với nhiều biến động ở mọi mặt của xã hội. Riêng đối với ngành giáo dục, như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận xét, năm qua là một năm “bứt phá của đổi mới giáo dục”. Một năm vừa phải tiếp tục khắc phục hậu quả của covid -19 cùng suy thoái kinh tế, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo một cách thực sự triệt để hơn.

Trong bối cảnh toàn thế giới trải qua nhiều biến động và ảnh hưởng mọi mặt kinh tế xã hội toàn cầu, giáo dục thế giới năm qua cũng có những thay đổi đáng quan tâm. Các thay đổi đó cũng được dự báo tiếp diễn và ảnh hưởng lên giáo dục toàn cầu và Việt Nam trong năm 2024.

Theo đó, dưới đây là đánh giá lại những thay đổi của giáo dục Việt Nam trong năm 2023, những dự báo cho năm 2024 và tương quan bức tranh giáo dục toàn cầu.

1. CHÍNH SÁCH VĨ MÔ

Năm 2023 là một năm các chính sách vĩ mô của giáo dục Việt Nam được đưa ra thảo luận và phân tích ở cả bên trong và bên ngoài nghị trường. Sự quan tâm của xã hội bắt đầu từ những sai phạm của NXB Giáo dục Việt Nam trong việc xã hội hóa sách giáo khoa.

Công bằng mà nói, việc xã hội hóa sách giáo khoa đã mang lại lợi ích to lớn cho ngân sách nhà nước tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Xã hội đã có được nhanh chóng nhiều bộ sách giáo khoa mang hơi thở mới đầy tính cách mạng của chương trình giáo dục quốc gia 2018, một chương trình được kỳ vọng sẽ mang lại đổi mới toàn diện cho giáo dục phổ thông.

Nhưng khi triển khai và đặt mục tiêu xã hội hóa thì mục tiêu bình đẳng cho giáo dục lại khó giải quyết khi chi phí sách giáo khoa tăng nhanh và trở thành gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp.

Theo thống kê, sách giáo khoa chương trình 2018 đã tăng giá từ 2-4 lần so với sách giáo khoa 2006. Do đó, một số lượng lớn học sinh thuộc các gia đình thu nhập thấp đã rất vất vả với các khoản chi phí đầu năm, đặc biệt là chi phí cho sách giáo khoa.

Trong nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải lên tiếng gay gắt về thực trạng về bất cập của giá sách giáo khoa. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng năm 2024 được dự báo sẽ triển khai xây dựng một bộ sách giáo khoa mới do Nhà nước chủ trì nhằm hướng tới một bộ sách với chi phí hợp lý cho các khu vực kinh tế còn khó khăn.

Năm 2024 cũng sẽ là năm triển khai thông tư hướng dẫn mới về việc lựa chọn sách giáo khoa. Thay đổi quan trọng nhất của thông tư mới là việc chuyển vai trò của việc lựa chọn sách giáo khoa từ Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh sang cấp trường học.

Thay đổi này thể hiện sự trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp và thể hiện được bản chất của việc sách giáo khoa là tài liệu dạy và học chứ không còn là khuôn mẫu bắt buộc.

Năm 2023 là năm mà nhà giáo được quan tâm và các chính sách cho nhà giáo được thảo luận nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo bền vững dài hạn. Tháng 8.2023, sau làn sóng 9.000 giáo viên nghỉ việc, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước.

Cuộc đối thoại được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ GD-ĐT và kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thầy cô là một trong những sự kiện đánh dấu sự đổi mới của Bộ GD-ĐT lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên. Từ tháng 7/2023 toàn bộ đội ngũ nhà giáo cũng được tăng lương trung bình 20% theo chính sách tiền lương mới.

Bên cạnh đó trong tháng 6.2023, Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị ban hành Luật Nhà giáo, đồng nhất quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục về sự cần thiết ban hành Luật và 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Luật Nhà giáo được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là bộ luật đặc biệt khó, có tác động rộng lớn trong xã hội. Từng chính sách trong Luật có sự đóng góp ý kiến thẳng thắn và rộng rãi từ các thầy cô giáo, các cán bộ cấp cơ sở, các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ GD&ĐT hiện đang tiến hành các công việc liên quan, dự kiến đề nghị Chính phủ thông qua vào tháng 3.2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Với nhiều nỗ lực giải quyết các vấn đề then chốt, căn bản của giáo dục, đồng thời cũng mạnh mẽ với những ý kiến mang tính chuyên môn sâu sắc, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn đã tạo được niềm tin và uy tín với đội ngũ nhà giáo và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.

2. ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÓ THÀNH CÔNG?

Năm 2023 là năm thứ 10 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nhiệm vụ Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm rà soát tiến độ, chất lượng thực hiện; để cùng nhìn lại những kết quả đạt được cùng những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai có hiệu quả hơn nữa công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.

Cùng với 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 là năm cuối cùng triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong năm 2023, giai đoạn nước rút đã đánh dấu những chuyển biến mạnh mẽ trong các nội dung: Thay đổi sách giáo khoa, tăng lương giáo viên, miễn giảm học phí, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Để đánh giá việc thực hiện về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đoàn đánh giá và công bố Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lẽ đã được trông đợi từ lâu. Với thực thế hiện nay có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau bao gồm cả hoài nghi và ủng hộ về chương trình phổ thông mới 2018.

Một báo cáo tổng thể, chi tiết, độc lập khách quan là nhu cầu quan trọng mang tính khoa học công bằng và định hướng nhằm giúp cho việc quyết định chính sách được sát với thực tế và đúng hướng phát triển.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’, ngày 14.8.2023

Quan trọng nhất có lẽ là việc báo cáo khẳng định tính đúng đắn của cải cách chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó đoàn giám sát nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).


Trong năm 2023, giai đoạn nước rút đã đánh dấu những chuyển biến mạnh mẽ trong các nội dung: Thay đổi sách giáo khoa, tăng lương giáo viên, miễn giảm học phí, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.

Nhận định trên sẽ giúp xóa bỏ về những hoài nghi về tính định hướng của chương trình giúp Việt Nam có thể thay đổi căn bản và toàn diện hội nhập và cập nhật được những xu hướng giáo dục mới trên thế giới.

3. BIẾN ĐỘNG THẾ GIỚI VỀ GIÁO DỤC

Ảnh hưởng lớn nhất cho giáo dục sẽ đến từ công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển rầm rộ trong năm 2023 và chắc chắn sẽ có tính lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2024.

Trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đang có những bước tiến quan trọng thay đổi cách xã hội vận hành và từ đó thay đổi nền kinh tế - xã hội toàn cầu. Chưa có làn sóng công nghệ nào có nước tăng trưởng nhanh và đột phá như cuộc cách mạng về Trí tuệ nhân tạo lần này. ChatGPT chỉ mất đúng 2 tháng để cán mốc 100 triệu người dùng. Để dễ so sánh, mạng xã hội Facebook mất 1 năm để có 1 triệu người dùng và phải hơn 4 năm được coi là bùng nổ để đạt con số 100 triệu người sử dụng.

Và dường như ngay lập tức các công ty, đơn vị lớn nhỏ trên thế giới đều đổ sức vào cuộc đua Trí tuệ nhân tạo với hàng trăm sản phẩm các loại về mảng công nghệ hứa hẹn này.

Khác hoàn toàn về tốc độ phát triển so với các cuộc cách mạng công nghệ trước đây, Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ đem lại nhiều đổi mới cho giáo dục ngay trong năm 2024.

Thực tế là các trường học đã buộc phải thay đổi phương thức đánh giá do sự tiến bộ nhanh chóng của AI. Các kỳ thi giờ không thể còn trông cậy quá nhiều vào các bài luận mà dịch chuyển sang đánh giá bằng hình thức vấn đáp.

Việc giảng dạy lập trình hiện đã đưa Copilot, một sản phẩm của Microsoft có khả năng lập trình vào đồng hành trong việc dạy học. Sản phẩm AI mới của Google hiện nay đã đạt đến mức lập trình được các bài toán khó. AlphaCode trong thử nghiệm tại kỳ thi lập trình CodeForces đã được xếp hạng top trên 54%, đứng vào hàng lập trình viên vượt trên mức trung bình. Các kỹ sư Google hào hứng tuyên bố AlphaCode không chỉ có thể cài đặt các thuật toán căn bản mà còn có khả năng sáng tạo ra những giải thuật mới phù hợp với các bài toán riêng biệt.

Vào tháng 7.2024 song song với kỳ thi Olympic Toán Quốc tế (IMO), ban tổ chức sẽ tổ chức kỳ thi Olympic Toán quốc tế dành cho các Trí tuệ nhân tạo (AIMO) với giải thưởng lên tới 10 triệu USD. Có thể nói Trí tuệ nhân tạo đã lấn tới những sân chơi trí tuệ bậc nhất của con người.

Đối lập với sự phát triển nhanh chóng của AI, tương lai về việc làm chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi và người học ngày càng hoài nghi vào vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học hiện nay.

Theo thăm dò của tổ chức thăm dò ý kiến nổi tiếng thế giới Gallup khảo sát tại Mỹ cho thấy, niềm tin mạnh mẽ vào giá trị đại học giảm từ 57% trong năm 2015 xuống còn 36% trong năm 2023. Trong đó sự hoài nghi tăng lên từ 9% lên 22% tương ứng. Kết quả được dự báo năm 2024 sẽ là năm chứng kiến sự sụt giảm tuyển sinh Mỹ và có thể dẫn đến đóng cửa hoặc sáp nhập hàng loạt trường đại học tại đây.

Tương tự với giáo dục đại học, niềm tin vào giáo dục phổ thông Mỹ cũng giảm từ mức 51% năm 2019 xuống mức 36% vào năm 2023 là mức thấp nhất trong 25 năm lấy khảo sát từ năm 1999.

Hệ quả được dự báo đối với với bậc phổ thông, tự học ở nhà và học trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng do sụt giảm niềm tin vào giáo dục truyền thống.

4. DỰ BÁO CÁC ẢNH HƯỞNG LỚN TỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM TRONG NĂM 2024

Ngay những ngày đầu năm mới, trần học phí đại học công lập đã được nâng lên mức mới. Cùng với việc học phí của các trường đại học tự chủ tài chính đã và đang ở mức cao, sức cạnh tranh thu hút người học của các trường sẽ giảm xuống.

Mức sống ở các thành phố lớn cộng lớn học phí đại học cao đã dần hình thành một rào cản vô hình hạn chế các sinh viên đến từ các gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các giải pháp khác như đi xuất khẩu lao động, học nghề và làm việc tại các khu công nghiệp mới đang thu hút nhiều bạn trẻ độ tuổi đại học tham gia.


Hai năm sau đại dịch Covid-19, số sinh viên vào đại học tăng 14% nhưng số sinh viên sư phạm giảm gần một nửa từ 151.000 xuống còn 89.000 quy mô đào tạo

 

Các ngành cơ bản xưa nay vẫn là chỗ trú chân của sinh viên nghèo như các ngành sư phạm, y tế, khoa học cơ bản đã có mức sụt giảm đáng kể. Hai năm sau đại dịch Covid-19, số sinh viên vào đại học tăng 14% nhưng số sinh viên sư phạm giảm gần một nửa từ 151.000 xuống còn 89.000 quy mô đào tạo.

Việc giảm quy mô đào tạo xuống thấp kỷ lục sẽ tác động lớn đến số lượng giáo viên cung cấp cho các trường bắt đầu năm 2027. Xét về quy mô tuyển sinh trên số tốt nghiệp thì năm 2023, tỷ lệ sinh viên nhập học đại học so với số thí sinh thi tốt nghiệp THPT là 49%, tăng so với năm 2022 và vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới. Con số này dự kiến sẽ tiếp tăng trong năm 2024 và tập trung vào những ngành dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp như công nghệ hay kinh doanh.

Bên cạnh đó, do sự sụt giảm người học nội địa nên các trường đại học quốc tế sẽ tăng cường tuyển các sinh viên ngoại quốc trong đó có Việt Nam. Việc nhập học vào các trường đại học có thứ hạng cao sẽ trở nên dễ dàng hơn với sinh viên quốc tế trong đó có sinh viên Việt Nam. Điều này có thể sẽ dẫn tới việc lượng sinh viên Việt Nam đi du học sẽ đông hơn do chất lượng giáo dục đại học Việt Nam so với các nước phát triển vẫn còn có khoảng cách lớn.

Là quốc gia với dân số trẻ, có hạ tầng công nghệ tốt, làn sóng Trí tuệ nhân tạo AI chắc chắn sẽ nhanh chóng tiến vào Việt Nam khi hầu hết các AI lớn trên thế giới đều hỗ trợ rất tốt bằng Tiếng Việt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những sản phẩm AI riêng của mình như Phở AI của VinGroup hay sản phẩm Trí tuệ nhân tạo của Trusting Social.

Các trường học và giáo viên nhanh nhạy sẽ nhanh chóng sử dụng AI để hỗ trợ cho công tác dạy và học trong nhà trường. Ít nhất, việc soạn bài có thể giao bớt một phần cho AI và giáo viên sẽ được giải phóng sức lao động nếu tận dụng được công nghệ mới.

Có thể nói rất khó hình dung hết AI sẽ tác động như thế nào nhưng chắc chắn năm 2024 sẽ là một năm bùng nổ và rực rỡ của các sản phẩm AI, trong đó mảng giáo dục cũng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng này.

Khép lại năm 2023 với nhiều nền tảng để chuẩn bị cho các sự thay đổi lớn về giáo dục Việt Nam trong năm 2024 có thể kỳ vọng bao gồm: các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Luật nhà giáo; Bộ sách giáo khoa mới của Nhà nước; chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình phổ thông mới; thi học đại học bớt căng thẳng với nhiều lựa chọn khác.

TS. Đàm Quang Minh – Phó TGĐ Tập đoàn giáo dục EQuest

Theo Đại biểu Nhân dân

MegaEdu - Copyright © 2023

Hotline

Hotline

0789903890