13/06/2023
Phá bỏ định hình giáo dục truyền thống, không còn bắt buộc với phấn trắng, bảng điện, nhiều quốc gia phổ biến AI dưới hình thức trực quan sinh động.
Trong đó, giảng viên là người hỗ trợ và thúc đẩy, không phải là nhà cung cấp thông tin.
Lợi ích của giáo dục AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại thế giới và cách thức hoạt động của nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành giáo dục. Giáo dục AI ở đây có thể hiểu là nâng cao nhận thức của bộ phận cộng đồng.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 8/6 cho biết, sách giáo khoa kỹ thuật số AI tại các trường học là một phần trong chính sách đổi mới giáo dục kỹ thuật số của chính phủ nước này, qua đó cung cấp nội dung học tập đa dạng thông qua công nghệ thực tế ảo (metaverse) và các công nghệ tương tác AI.
Bộ cho biết việc sử dụng sách giáo khoa kỹ thuật số cũng được kỳ vọng sẽ tạo khả năng học tập thích hợp cho từng học sinh ở các cấp độ học tập khác nhau.
Tuy rằng nhiều một số trường đại học trên toàn cầu đang sử dụng lệnh cấm sử dụng AI, đơn cử như Trường Science Po (Pháp) quy định lệnh cấm sử dụng các công cụ AI cho mục đích học tập, trừ khi có sự chấp thuận và giám sát của giáo viên. Hay các lệnh cấm đối với phần mềm chat GPT của Đại học RV (Ấn Độ), Trường Đại học Washington (Hoa Kỳ) cũng quy định chính sách không sử dụng Chat GPT để phục vụ học tập nhưng không thể phủ nhận công nghệ AI ở hiện tại và trong tương lai sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của nhân loại.
Hiện nay, trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục AI mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với người học, giáo viên/giảng viên và các nhà quản lý giáo dục. Cụ thể, bên cạnh việc cung cấp các giải pháp dự đoán và chẩn đoán để giảm bớt những khó khăn trong học tập, AI còn tập hợp những thông tin cần thiết cho giáo viên/giảng viên và người học, tạo kế hoạch bài học và đánh giá tùy chỉnh phù hợp với điểm mạnh và điểm yếu riêng của từng người học.
Lợi ích của AI trong Giáo dục
Giáo dục AI thời hội nhập
Tại Trung Quốc, học sinh tại các trường tiểu học và trung học ở tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc sẽ được tiếp cận, học tập về AI như một trong những khóa học bắt buộc, tương đương với toán và tiếng Anh. Bên cạnh Trung Quốc, gần đây, Hàn Quốc cũng thực hiện giáo dục AI trở thành môn học mới trong chương trình giáo dục trung học phổ thông từ năm 2021.
Bộ giáo dục Hoa Kỳ từng đưa ra quan điểm: “Học tập cá nhân hóa sẽ giúp tốc độ học tập và phương pháp hướng dẫn được tối ưu hóa theo nhu cầu của từng người học. Các hoạt động học tập có ý nghĩa và phù hợp với người học được thúc đẩy bởi sở thích của người học và thường là do người học tự khởi xướng”.
Trong việc giảng dạy được cá nhân hóa, trong đó học sinh/sinh viên được sử dụng các công cụ, phần mềm ứng dụng AI để phát triển sự hiểu biết về nội dung và khái niệm. Giáo viên/giảng viên có trách nhiệm thiết kế phương pháp học tập dựa trên dự án và tạo ra nhiều nhiệm vụ đánh giá khác nhau để học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình, dựa trên sở thích và khả năng của người học. Kiến thức, sở thích và kỹ năng trước đây của người học được xem xét trong việc thiết kế các đơn vị học phần và nội dung giảng dạy.
Bàn về vấn đề cá nhân hóa trong học tập, tại Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được ban hành vào đầu năm 2021. Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục là một trong những nhiệm vụ được đặt ra. Ngoài việc hỗ trợ nâng cao nhận thức của người học, khía cạnh cá nhân hóa việc học tập, nâng cao hiệu quả học tập với sự trợ giúp của giáo viên/giảng viên và trợ giảng ảo.
“Những người sáng tạo giỏi nhất sẽ biết cách sử dụng AI theo cách vẫn cho phép họ giữ được tính nhân văn của mình” (John Spencer, 2022). Thay vì cấm AI trong giáo dục, nước ta có thể hướng dẫn học sinh/sinh viên phát triển kỹ năng sử dụng AI một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Từ đó, sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ học tập hữu ích, “người bạn đồng hành” đáng tin cậy trong giáo dục.
(*) Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH)
Hotline
Hotline