Giáo dục trong ngày tận thế do AI: Hướng dẫn sinh tồn cho giáo viên

Tin tức

01/06/2023

Giáo dục trong ngày tận thế do AI: Hướng dẫn sinh tồn cho giáo viên

Khi những xúc tu của con bạch tuộc trí tuệ nhân tạo (AI) quấn quanh thế giới giáo dục, những lời thì thầm về sự diệt vong trong ngày tận thế vang vọng khắp phòng chờ của giáo viên: "Liệu giáo viên chúng ta có bị tuyệt chủng như loài khủng long không?" Trước khi bắt đầu lên kế hoạch cho bữa tiệc chia tay mãi mãi của mình, hãy cùng nghĩ về các “ông chủ AI” mới với các công cụ tuyệt vời mà họ dùng như ChatGPT và cách “loài người thấp kém” chúng ta có thể tồn tại trong thế giới mới đầy thử thách này.

Đầu tiên, các nhà giáo chúng ta hãy tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh nhé: Các công cụ hỗ trợ AI như ChatGPT thực sự rất đáng gờm. Chúng  giống như học sinh mọt sách luôn có câu trả lời đúng. Bạn cần giải phương trình bậc hai lúc 3 giờ sáng? ChatGPT hỗ trợ bạn. Bạn muốn tranh luận về nhân tình thế thái qua đời nàng Kiều? ChatGPT sẽ khiến bạn có cảm giác như đang trò chuyện với chính đại thi hào Nguyễn Du.

Và nếu bạn nghĩ rằng AI chỉ biết làm một cách máy móc và liệt kê thôi thì hãy đợi cho đến khi bạn thấy AI chấm bài, theo dõi điểm danh và phân tích dữ liệu về kết quả thi của học sinh với tốc độ ánh sáng và sự chính xác lượng tử. Giống như người đã uống năm tách cà phê, nhưng không bao giờ cảm thấy bồn chồn. AI luôn thừa năng lượng và trí tuệ vào bất cứ thời điểm nào!

AI có thể biến việc giáo dục thành một cỗ máy luôn được bôi dầu đầy đủ và không bao giờ cạn xăng. Nhưng hãy nghĩ mà xem, cuộc đời vậy còn gì thú vị?

Thực ra, những nhà phù thuỷ số với các công cụ AI cũng chỉ thông minh về mặt cảm xúc như một chiếc máy nướng bánh mì thôi. Chúng không thể phát hiện ra sự lo lắng ẩn sau nụ cười của học sinh hay tia tò mò trong mắt của một đứa trẻ. Chúng không thể vỗ về an ủi khi học sinh buồn bã hoặc thúc giục các em  bước ra khỏi vùng an toàn để làm một điều gì đó lớn lao hơn. Chúng không thể khơi dậy được niềm đam mê học tập suốt đời bằng sự nhiệt huyết của người thầy.

Và thành thật mà nói, ai lại muốn chia sẻ nỗi lo lắng tuổi teen của mình với một con rô-bốt chứ? Nếu là cha mẹ, bạn có muốn và dám không?

Vì vậy, một giáo viên phải làm gì khi đối mặt với sự tấn công dữ dội của AI này? Đơn giản: trở nên con người hơn.

Đã đến lúc nhân đôi sự đồng cảm, sáng tạo và nghệ thuật truyền cảm hứng cho những bộ óc trẻ. Đã đến lúc giáo viên đẩy mạnh việc khuyến khích học sinh suy nghĩ chín chắn hơn, giao tiếp hiệu quả và phát triển sự đồng cảm với bạn bè hơn. Hãy biến các lớp học thành nơi học sinh có thể cộng tác và khám phá. Nói tóm lại, hãy làm mọi thứ mà AI không thể làm.

Tương lai của việc dạy học không phải là một trận thư hùng giữa con người và máy móc; nó giống một bộ phim của hai người bạn thân hơn. Vâng, chắc chắn AI là một một mối đe doạ cực lớn về sự tồn vong của nghề giáo. Nhưng mối đe doạ này chỉ dành cho những người chỉ biết biến giáo dục thành một công việc dạy “học vẹt” đầy nhàm chán, lạnh lùng và vô cảm.

Đã đến lúc chúng ta phải phát triển, nắm lấy các công cụ AI này và tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng rất con người của chúng ta.

Tóm lại, trong khi các công cụ AI như ChatGPT có thể là một “từ điển sống siêu nhân” của lớp học, thì việc chúng không có khả năng tái tạo trí thông minh cảm xúc và con người của giáo viên chính là viên đạn kryptonite hay gót chân Achilles làm suy yếu và có thể huỷ diệt siêu nhân. Tương lai của giáo dục nằm ở sự hợp tác giữa AI và giáo viên với trí tuệ cảm xúc được tăng cường.

Và hãy nhớ rằng, nếu rô-bốt có thể dạy, thì giáo viên chúng ta chắc chắn có thể học hỏi, thích nghi và phát triển trong thế giới mới này.

Xét cho cùng, dạy học không chỉ là kiến thức; mà còn quan trọng hơn là về việc nuôi dưỡng trái tim và truyền cảm hứng cho tâm hồn. Và đó, các đồng nghiệp thân mến, là điều mà không AI nào có thể tái tạo được!

Giáo viên chúng ta từng dành cả đời để “giỏi như máy”. Giờ thay đổi để thành “người” hơn. Quả thực không hề dễ chút nào!

Nguồn: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn - CEO Tập đoàn Giáo dục EQuest

MegaEdu - Copyright © 2023

Hotline

Hotline

0789903890