22/05/2023
Theo trang Innovation Origins, các công nghệ AI như Chat GPT buộc các trường đại học và giáo viên phải suy nghĩ lại về phương pháp kiểm tra truyền thống. Karin Axelsson - Phó hiệu trưởng của Đại học Linköping (Thụy Điển) cho rằng, giáo viên và bộ phận khảo thí nên tìm hiểu về cách đánh giá học sinh mới, thay thế phương thức truyền thống hiện nay.
Giáo sư Fredrik Heintz - Trưởng phòng thí nghiệm Lý luận và Học tập thuộc Khoa Trí tuệ Nhân tạo và Hệ thống Tích hợp (Đại học Linköping) cũng so sánh tác động của Chat GPT với giáo dục hiện nay tương tự với tác động của máy tính đối với toán học giai đoạn trước. Ông dự đoán nhiều nhiệm vụ thú vị hơn sẽ ra đời, đồng thời, những hiểu biết mới trong giáo dục xuất hiện từ các tiến bộ công nghệ như thế này.
Cách mạng AI sẽ thay đổi giáo dục. Ảnh minh họa: EdtechTeacher
Theo UNESCO, AI trong giáo dục có nhiều giá trị như giúp nâng cao năng lực con người, bảo vệ quyền con người hay thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa người và máy để phát triển bền vững. Bà Stefania Giannini - Trợ lý Tổng Giám đốc Giáo dục của UNESCO nhấn mạnh cuộc cách mạng AI giúp cải thiện sinh kế và giảm bất bình đẳng. Công nghệ này cần được các nhà giáo dục theo sát để đảm bảo luôn đi đúng hướng.
Thực tế, công nghệ giáo dục AI tạo ra nhiều giá trị, trong đó có hỗ trợ học tập cá nhân hóa, hệ thống gia sư thông minh, cố vấn ảo và chatbot. Những công nghệ này đang giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu, phong cách học tập của từng học sinh, từ đó, tạo ra những phản hồi và hướng dẫn phù hợp. Do đó, người học tham gia vào học tập sâu hơn, kết quả theo đó được cải thiện.
Đồng thời, trọng tâm kỹ năng trong giáo dục đang chuyển từ việc nắm kiến thức sang tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo, hiểu biết về kỹ thuật số, trí tuệ cảm xúc và nhận thức văn hóa. "Điều này thúc đẩy việc học tập suốt đời và chuẩn bị cho học sinh chuyển đổi nghề nghiệp", bà nói thêm.
Bất chấp những lo ngại ban đầu về gian lận, nhiều nhà giáo dục đang ứng dụng công nghệ AI vào việc giảng dạy. Ethan Mollick - Phó giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã đưa ChatGPT vào việc xây dựng giáo trình và yêu cầu sinh viên của ông cũng sử dụng AI. Ông nhận thấy những kết quả tích cực ban đầu với việc học sinh tạo ra các dự án lớp học bằng ChatGPT và nghiêm túc đánh giá các đề xuất từ chatbot này.
Trợ lý Giáo sư Chris Piech của Đại học Stanford sử dụng trí tuệ nhân tạo để "nhân bản" hai giáo viên thành hàng nghìn giáo viên. Nhóm của Piech phát triển hệ thống chấm điểm AI để cải thiện việc đào tạo giáo viên.
Dự án ClassInSight cũng sử dụng các công nghệ học tập dựa trên trí tuệ nhân tạo để tạo ra các môi trường học tập có cơ sở hạ tầng cao hơn, từ đó, giúp tạo cơ hội tốt hơn cho người học có điều kiện học tập hạn chế. Hay, tại Bờ Biển Ngà, dự án Allo Alphabet triển khai biện pháp can thiệp xóa mù chữ qua điện thoại cho các cơ sở giáo dục có điều kiện hạ tầng thấp.
Những dự án như thế này đang thể hiện tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy công bằng toàn cầu trong giáo dục.
Học viên tại Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX (Việt Nam) sử dụng ChatGPT do trường cấp. Ảnh: FUNiX
Giáo sư báo chí Bart Brouwers - Đại học Groningen (Hà Lan) gọi ChatGPT là một cơ hội tuyệt vời cho giáo dục. Theo ông, nếu việc áp dụng được thực hiện trung thực và minh bạch, công nghệ AI như ChatGPT sẽ mang tính tích cực nhiều hơn là tiêu cực.
Cách tiếp cận công nghệ truyền thống có thể trở thành một lực cản cho sự đổi mới. Như vậy, việc sinh viên cố tình "vượt rào" khi sử dụng công nghệ không phải là điều xấu. Thay vào đó, đơn vị đào tạo nên tận dụng AI như một cách giúp hoàn thiện hệ thống giáo dục.
"Một cánh cửa đã được mở ra. Hãy làm gì đó để tận dụng tiến bộ khoa học", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết các gian lận hay phạm trù đạo đức công nghệ cũng là điểm cần quan tâm. Công nghệ AI như tạo văn bản, đạo văn làm gia tăng những lo ngại về tính công bằng, quyền riêng tư, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình...
Để giải quyết những vấn đề này, các nhà giáo dục phải đảm bảo quyền tiếp cận công nghệ bình đẳng, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và xem xét sự chênh lệch về kinh tế xã hội có thể phát sinh từ việc áp dụng AI. Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, khả năng giám sát, sự chấp thuận khi khai thác công nghệ cần được xem xét cẩn thận khi triển khai các công cụ AI trong giáo dục.
Trường Wharton đã đưa ra Chính sách ChatGPT mở, trong đó nhấn mạnh AI là một "kỹ năng mới nổi", khuyến cáo sinh viên cần kiểm tra kết quả so với các nguồn khác khi sử dụng. Người học cũng cần xác nhận việc có sử dụng ChatGPT trong bài làm hay không. Trong trường hợp có lỗi hoặc thiếu sót, sinh viên sẽ bị quy trách nhiệm. Nếu không tuân theo các quy tắc này, các bạn sẽ vi phạm chính sách trung thực trong học tập.
Ngoài ra, các trường có thể tiếp cận bằng cách phát triển các công cụ để phát hiện gian lận. Edward Tian - một sinh viên Đại học Princeton (Mỹ) đã tạo ra ứng dụng GPTZero để phát hiện các đoạn văn bản do máy tạo ra. Các công cụ như GPTZero có thể giúp duy trì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nội dung do AI tạo ra.
Nguyên Chương (Theo Innovation Origins)
Hotline
Hotline